Trang chủ » Khám phá vẻ đẹp kiến trúc truyền thống Việt Nam

Khám phá vẻ đẹp kiến trúc truyền thống Việt Nam

Với bề dày lịch sử, văn hóa lâu đời, kiến trúc truyền thống Việt Nam có những giá trị độc đáo và giá trị văn hóa riêng. Ngày nay, cùng với sự phát triển của kinh tế xã hội và sự xâm nhập của các nét kiến trúc mới, kiến trúc truyền thống dân tộc vẫn giữ được chỗ đứng vững chắc và là một phần không thể thiếu trong văn hóa Việt Nam.

Sơ lược lịch sử kiến trúc truyền thống Việt Nam

Đất nước Việt Nam có bề dày lịch sử hơn 4000 năm với rất nhiều những sự kiện, biến cố lịch sử. Tất cả những điều đó góp phần làm nên đặc trưng riêng trong văn hóa truyền thống của người Việt.

Bên cạnh đó, với vị trí địa lý đặc biệt, Việt Nam cũng là nơi giao thoa giữa 2 nền văn minh cổ đại lớn của Châu Á – Ấn Độ và Trung Hoa. Đồng thời cũng là nơi trung chuyển, giao thương của nhiều nền văn hóa khác trong lịch sử.

Vì thế, kiến trúc truyền thống Việt Nam cũng chịu nhiều ảnh hưởng từ sự giao thoa văn hóa này. Nhìn chung, những công trình mang phong cách này sẽ thể hiện sự gắn bó với cộng đồng làng xã, nhưng cũng đồng thời đảm bảo phù hợp với khí hậu và văn hoá của từng địa phương, vùng miền.

Đặc trưng của kiến trúc Việt Nam về văn hóa bản sắc dân tộc

Khiêm tốn đơn giản: Kiến trúc truyền thống dân gian Việt Nam đa số đều khá đơn giản, khiêm tốn, không xa hoa cầu kỳ… Điều này góp phần thể hiện tính dân tộc đậm đà, thể hiện được nét đẹp tâm hồn, sự bình dị trong tính cách của con người Việt Nam.

Hòa hợp với thiên nhiên: Đa phần các công trình kiến trúc, đặc biệt là nhà ở đều đề cao tính hòa hợp, gắn bó với thiên nhiên theo đúng đặc trưng của cư dân thuộc nền văn minh lúa nước. Thiên nhiên từ lâu đã mang đến nguồn thức ăn, của cải cho con người thông qua hoạt động trồng trọt, vì vậy con người luôn khao khát sống hòa hợp với thiên nhiên, điều đó được thể hiện đậm nét qua kiến trúc được thiết kế nhẹ nhàng, khoáng đạt với những khoảng sân rộng lớn đầy cây xanh, những dãy hành lang đón nắng ấm,…

Màu sắc đẹp mắt giàu tính dân gian: Màu sắc trang trí được sử dụng trong kiến trúc truyền thống Việt Nam là một trong những yếu tố góp phần làm nên sự khác biệt. Những kiến trúc Việt Nam từ các chi tiết nhỏ đến lớn đều được tạo tác mang đậm bản sắc dân tộc với các tông màu như màu nâu, đỏ gạch,… thể hiện sự trang nghiêm, chân thực nhưng cũng không kém phần sinh động cho không gian.

Sử dụng vật liệu địa phương là chủ yếu: Những công trình kiến trúc truyền thống Việt Nam thường ưu tiên sử dụng các loại vật liệu địa phương nhằm mục đích tăng thêm tính truyền thống. Những vật liệu địa phương phổ biến mà chúng ta hay bắt gặp trong các công trình này như: tre, ngói, gò, đá, gạch… ưu điểm của các loại vật liệu này là chúng có độ bền khá cao từ đời này sang đời khác, ít xảy ra sự biến đổi.

kiến trúc truyền thống Việt Nam

Đặc trưng về cấu trúc

Mái nhà trong kiến trúc truyền thống Việt Nam có những đặc trưng cấu trúc riêng biệt. Đầu tiên, triền mái thường thẳng, không cong, với phần góc mái hơi hếch lên, tạo sự thanh thoát và nhẹ nhàng khi nhìn vào. Tỉ lệ mái thường chiếm khoảng 2/3 chiều cao của toàn bộ công trình, nhấn mạnh tầm quan trọng của phần mái trong kiến trúc tổng thể. Mái được trang trí tinh tế với những con giống trên đầu đao, gạch hoa chanh, con kìm, tạo nét đặc trưng truyền thống. Loại ngói được sử dụng phổ biến là ngói hài hoặc âm dương, không chỉ đẹp mắt mà còn bền, mang lại sự mát mẻ vào mùa hè và ấm áp vào mùa đông.

Cột là thành phần quan trọng trong kiến trúc với nhiệm vụ chịu lực và đỡ toàn bộ công trình. Cột trong kiến trúc Việt thường tròn, to và được chia thành ba loại chính. Cột cái là cột lớn nhất, chịu trách nhiệm chính về việc đỡ công trình. Cột con là các cột phụ hỗ trợ cột cái trong việc chịu lực. Cuối cùng, cột hiên được đặt ở phần trước hiên nhà, nhỏ và ngắn hơn cột con.

Liên kết các cột với nhau là hệ thống – các giằng ngang gồm xà lòng và xà nách. Xà lòng liên kết các cột cái trong khung, còn xà nách giúp kết nối giữa cột con và cột cái. Ngoài ra, kẻ là các dầm đơn được bố trí chéo theo phương của mái, có hai loại chính: kẻ ngồi nối từ cột cái sang cột con, và kẻ hiên nối từ cột con sang cột hiên, góp phần chống đỡ chân mái. Tất cả những yếu tố này kết hợp tạo nên kết cấu vững chắc và đặc trưng của mái nhà truyền thống Việt Nam.

Các công trình xây dựng theo kiến trúc truyền thống Việt Nam ngày nay

Với sự phát triển không ngừng của quá trình đô thị hóa, tuy nhiên những kiến trúc truyền thống vẫn không bị mai một và được lưu truyền trong xã hội ngày nay thông qua nhiều công trình như: Chùa, nhà thờ họ, nhà vườn, nhà hàng…

Chùa theo kiến trúc truyền thống

Những ngôi chùa lớn đang không ngừng được xây dựng thiết kế theo kiến trúc cổ, truyền thống có thể kể tên như: Chùa Bái Đính, Linh Ứng Sơn Trà… Đây là các công trình với những chi tiết mang đậm dấu ấn kiến trúc việt nam:

  • Sử dụng mái ngói men bát tràng có tính thẩm mỹ cao, không cần sơn trét trên bề mặt nên giữ được vẻ đẹp mộc mạc, truyền thống cho công trình.
  • Mái ngói uốn cong: Chúng ta có thể bắt gặp rất nhiều ngôi chùa ở Việt Nam có kiểu kiến trúc này. Đây vừa là một chi tiết giúp làm tăng thêm vẻ uy nghiêm, mỹ lệ cho công trình vừa giúp bảo vệ chân tường khỏi nước mưa hiệu quả.
  • Hệ thống cột, kèo vững chắc trạm khắc rồng uốn lượn cho thấy sự kỳ công, tỉ mỉ của những người chế tác. Đây cũng là nét đặc trưng về kiến trúc phổ biến ở phương Đông, với quan niệm “vạn vật hữu linh”.

Nhà vườn theo kiến trúc truyền thống việt nam

Nhà vườn xây dựng nhà vườn theo kiến trúc truyền thống kết hợp yếu tố hiện đại tạo góp phần tạo nên sự gần gũi, thân thiện, và cảm giác ấm cúng cho gia đình. Đây là nơi chốn quay về của mỗi người sau những tất bật của cuộc sống.

  • Nhà cấp bốn được xây dựng 3 gian hoặc 5 gian với khoảng sân vườn và hàng rào bao quanh.
  • Sử dụng mái ngói đỏ truyền thống, mùa hè mát mẻ mùa đông ấm áp , rất giàu tính thẩm mỹ, tạo điểm nhấn độc đáo cho căn nhà.

Khu nghỉ dưỡng

Hiện nay để đáp ứng nhu cầu nghỉ ngơi trong không gian yên bình, mang đậm vẻ đẹp truyền thống, ngày càng có nhiều khu nghỉ dưỡng theo kiểu kiến trúc này ra đời. Các khu nghỉ dưỡng kiến trúc truyền thống có đặc điểm:

  • Gần gũi với thiên nhiên, tận dụng tối đa những yếu tố thiên nhiên như cây cỏ, hoa lá, ao hồ, tiểu cảnh để góp phần làm tăng thêm không khí thoáng đạt, trong lành cho khu nghỉ dưỡng.
  • Luôn hướng đến việc tạo sự sự thoải mái, thư giãn, tự nhiên nhất cho khách hàng.
  • Tạm thời tránh xa những công trình hiện đại giữa cuộc sống xô bồ, ồn ã của cuộc sống hiện đại.
  • Các khu nghỉ dưỡng sử dụng những chất liệu phổ biến như mái ngói đỏ, mái lá, vách tre để tạo sức hút và thể hiện màu sắc truyền thống.

Nhà thờ họ

Nhà thờ họ là nơi con cháu trong dòng họ thường xuyên về tụ họp, quây quần bên nhau cúng tổ tiên. Vì vậy, các công trình kiến trúc này thường được xây dựng mang đậm nét kiến trúc truyền thống, góp phần lưu giữa cội nguồn, tạo nên lòng tự hào cho con cháu về dòng họ, tổ tiên, và rộng hơn là dân tộc mình.

Kiến trúc nhà thờ họ chúng ta thường dễ bắt gặp là những ngôi nhà hình chữ Nhất nằm ngang, mái sau và mái trước lợp ngói mũi hài cổ mang vẻ đẹp vừa bình dị lại vừa uy nghiêm.

 

Kết luận

Kiến trúc truyền thống Việt Nam là biểu tượng văn hóa độc đáo, mang đậm dấu ấn lịch sử và phong cách sống của người Việt qua nhiều thế kỷ. Từ những ngôi nhà rường đơn sơ đến các đền chùa, đình làng uy nghiêm, mỗi công trình đều ẩn chứa tinh hoa của nghệ thuật xây dựng và những giá trị tinh thần sâu sắc. Không chỉ đáp ứng các yêu cầu về công năng và thẩm mỹ, kiến trúc truyền thống Việt Nam còn thể hiện sự hòa quyện với thiên nhiên, mang lại cảm giác yên bình và bền vững với thời gian.

Việc khám phá và bảo tồn những nét đẹp này không chỉ giúp chúng ta hiểu thêm về lịch sử dân tộc mà còn giữ gìn được giá trị văn hóa cho thế hệ tương lai. Đồng thời, kiến trúc truyền thống cũng là nguồn cảm hứng vô tận cho sự phát triển của kiến trúc hiện đại, tạo nên những công trình vừa mang đậm bản sắc dân tộc, vừa phù hợp với nhu cầu cuộc sống hiện nay.

Hãy tiếp tục khám phá và tôn vinh vẻ đẹp của kiến trúc truyền thống Việt Nam, để những giá trị quý báu này mãi được bảo tồn và phát triển trong bối cảnh hội nhập toàn cầu.

=> Xem thêm : 5 Công Trình Kiến Trúc Kim Tự Tháp Cổ Nổi Tiếng Trên Thế Giới